Pháp Luân Công
Pháp Luân Công được ông Lý Hồng Chí truyền ra xã hội vào tháng 5/1992 thuận theo cao trào khí công cuối những năm 1980 tại Trung Quốc. Môn khí công này lấy nguyên lý Chân Thiện Nhẫn làm chỉ đạo cho sự tu luyện của các học viên.
Nhờ hiệu quả nâng cao sức khỏe lẫn đạo đức tinh thần, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ngàn người đã tham gia theo học. Chính quyền Bắc Kinh khi ấy không chỉ chấp nhận sự phát triển nhanh chóng của môn tập mà còn mời ông Lý tới giảng dạy tại các cơ sở của chính phủ và khen ngợi những lợi ích mà Pháp Luân Công đã mang đến cho cộng đồng.
Ngày 21/9/1993, tờ Nhật báo Công an Nhân dân đã đăng một câu chuyện ca ngợi ông Lý vì những đóng góp của ông “trong việc đẩy mạnh đạo đức truyền thống của người Trung Hoa, chống lại tội ác, trong bảo vệ an ninh và trật tự xã hội, và trong việc đẩy mạnh sự chính trực trong xã hội”.
Ngày 14/2/1999, thời báo U. S. News & World dẫn lời một quan chức trong Bộ Thể thao Trung Quốc nói rằng: “Hàng năm, mỗi học viên Pháp Luân Công đã tiết kiệm cho chính phủ 1.000 tệ tiền chi phí y tế” do lợi ích sức khỏe mà môn tập này đem lại.
Đến năm 1999, chỉ trong chưa đầy 10 năm, gần 100 triệu người dân Trung Quốc đã bước vào tập luyện và có được cuộc sống khỏe mạnh, an hòa. Trung bình cứ khoảng 10 người lại có một người học Pháp Luân Công, trong đó có đủ mọi giai tầng khác nhau từ trí thức đến bần nông, từ người dân phổ thông đến quan chức chính phủ.
Giang Trạch Dân phát động đàn áp bất chấp sự phản đối
Giữa những năm 1990, truyền thông nhà nước thỉnh thoảng công kích khí công, trong đó có cả Pháp Luân Công, cho là “mê tín”, “phong kiến”. Người tập Pháp Luân Công bắt đầu tới các tòa soạn để thỉnh nguyện, kiến nghị gỡ bỏ các bài viết không đúng sự thật.
Vụ việc đi đến cao trào vào ngày 25/4/1999, khi 10.000 người tập Pháp Luân Công đến Văn phòng Kháng cáo Nhà nước ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa nhằm kháng nghị việc những người tập Pháp Luân Công bị cảnh sát quấy nhiễu và bị bắt bớ tại Thiên Tân trước đó.
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ sau đó đã nhanh chóng đồng ý yêu cầu thả tự do cho người tập Pháp Luân Công. Nhưng phản ứng của ông Giang Trạch Dân, bấy giờ là Chủ tịch nước, lại hoàn toàn trái lại. Trong bức thư tay ngày 25/4 gửi các thành viên Bộ Chính trị, ông Giang đã không giấu giếm sự đố kỵ: “Chủ nghĩa Mác-xít mà người cộng sản chúng ta có, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần mà chúng ta tin không thể chiến thắng được những điều của Pháp Luân Công hay sao? Nếu đúng là như vậy, nó sẽ là một trò cười lớn có phải không?”
Những năm đương quyền, ông Giang Trạch Dân luôn muốn mọi đảng viên phải học thuyết “ba đại diện” của mình, nhưng thực tế hoàn toàn trái lại. Trong khi đó dân chúng Trung Quốc lại tự nguyện đón chào nguyên lý Chân Thiện Nhẫn của Pháp Luân Công, hàng ngày gần 100 triệu người cùng nhau tập luyện các bài tập và đọc sách của ông Lý Hồng Chí, đông hơn cả số đảng viên bấy giờ, khoảng 60 triệu.
Trong hội nghị lấy ý kiến về việc xử lý vấn đề Pháp Luân Công, ông Giang Trạch Dân đã kiên quyết đàn áp Pháp Luân Công, mặc cho 6 thường ủy Bộ Chính trị im lặng biểu đạt phản đối. Cuối cùng, cuộc đàn áp đã diễn ra bất chấp việc không hề có được đa số phiếu của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.